hỗ trợ trực tuyến

Ms Quỳnh
Tel: 0919906001

Đặc sản Phú Yên

Đặc sản Phú Yên

Phát triển du lịch tâm linh ở Tuy An: Nhiều tiềm năng

Thứ hai, 05/12/2016.

Tuy An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, lại có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đầy quyến rũ. Không những vậy, nơi đây là vùng đất ghi dấu sự phát triển hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Thiên Chúa giáo với những nhân vật kiệt xuất. Tuy An cũng có một vị thế đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch của Phú Yên nói chung và thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh nói riêng.

Du khách tham quan nhà thờ Mằng Lăng - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Vùng đất của kỳ nhân Phật giáo, Thiên Chúa giáo

 

Theo các tài liệu lịch sử, khi người Việt từ phía Bắc vào khai phá vùng đất này thì không ít người Chăm đã theo đạo Phật. Tại Phú Yên, nhiều dấu tích Phật giáo đã được phát hiện ở di tích chùa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa), di tích Núi Bà (huyện Tây Hòa), di tích Chăm ở thôn Hòa Sơn thuộc xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). Những phát hiện tuy còn ít ỏi, nhưng một số các nhà khảo cổ học cho rằng: Phú Yên có khả năng là một trung tâm Phật giáo lớn của người Chăm trong lịch sử.

 

Ngoài những cứ liệu cổ về các thiền sư giảng đạo từ phía Bắc vào, vùng đất Tuy An có một vị cao tăng và sau này trở thành Tổ sư của Thiền phái Liễu Quán. Khi các vị Thiền sư Trung Quốc vào Phú Yên truyền đạo đã chọn một vùng đất mà Phật giáo đã phát triển trước đó, hòa thượng Tế Viên đã chọn thôn Hội Tín, thuộc xã An Thạch để khai sơn ngôi chùa đầu tiên, lấy tên là chùa Hội Tôn nhằm hoằng hóa đạo pháp, truyền dạy môn đồ.

 

Như một cơ duyên trời định, Liễu Quán cảm mến vị thiền sư và nhất quyết xin phụ thân cho mình xuất gia tại đây. Biết không thể thay đổi được ý định của con trai, cha ông đành phải chấp nhận gửi ông đến chùa Hội Tôn theo thầy Tế Viên tu Phật.

 

Đến nay, các nguồn tư liệu đều khẳng định trong những người theo đạo Phật thuộc phái Lâm Tế do Tế Viên Hòa thượng truyền dạy, chỉ có một người kế nghiệp là Thiền sư Liễu Quán, người làng Bạc Má, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, nay là thôn Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An là thành danh hơn cả.

 

Trong cuộc đời hành đạo của mình, ngài đã có 49 đệ tử đắc pháp, đệ tử xuất gia có đến hàng ngàn người; lập nhiều trung tâm hoằng đạo và nhiều tổ đình với nhiều thế hệ truyền thừa hoằng dương chánh pháp lớn ở khắp xứ Đàng Trong, hình thành và phát triển một thiền phái có tên là Thiền phái Liễu Quán cho tới ngày nay.

 

Cùng với Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng là tôn giáo có mặt lâu đời trên vùng đất Tuy An.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) thứ 16, Văn Phong phản nghịch, chúa sai võ tướng Nguyễn Phúc Vinh đánh dẹp, rồi lập dinh Trấn Biên tại thôn Hội An (năm 1832, thôn Hội An đổi thành Hội Phú), sau gọi dinh Phú Yên, đặt quan trấn thủ. Vợ của quan trấn biên Nguyễn Phúc Vinh là công chúa Ngọc Liên. Bà theo đạo Thiên Chúa (có tên thánh là Maria Madalena), cho lập nhà nguyện tại dinh Trấn Biên. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên đất Phú Yên. Năm 1641, giáo sĩ Alecxandre De Rhodes (Đắc Lộ) đến truyền đạo ở Phú Yên và được Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh mời vào ngụ tại dinh Trấn Biên. Andrew Phú Yên (Anrê Phú Yên) là một trong 90 người được giáo sĩ Đắc Lộ rửa tội trong dịp tĩnh tâm 4 ngày liền tại nhà nguyện của bà Madalena Ngọc Liên trong dinh Trấn Biên Phú Yên.

 

Năm 1642, ông gia nhập đoàn thầy giảng Đàng Trong, ngày 5/3/2000 vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam được Đức Giáo Hoàng John Paul II tuyên phong Chân Phước. Tại Đại hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 17 ở Toronto, Canada, (23-28/7/2002), Đức Giáo Hoàng John Paul II nêu Chân Phước Anrê Phú Yên ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ tiêu biểu làm mẫu gương cho cuộc sống.

 

Phát triển thành trung tâm du lịch tâm linh

 

Là vùng đất sinh một vị thiền sư Liễu Quán nổi tiếng và một Á Thánh Andrew, Tuy An có nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm du lịch tâm linh.

 

Đối với Phật giáo, hiện nay chùa Hội Tôn - Cổ lâm đang được xây dựng ở vị trí nền chùa cũ, khi hoàn thành, nơi đây sẽ làm hạt nhân phát triển du lịch tâm linh Phật giáo. Đây chính là ngôi chùa cổ mà thiền sư Liễu Quán học đạo từ vị cao tăng truyền đạo từ phía Bắc vào đầu tiên. Khi ngôi chùa được trùng tu hoàn thành sẽ là nơi để hội tụ phật tử khắp nơi hành hương về đất tổ, gắng với việc tổ chức đại lễ tri ân Tổ sư Liễu Quán nhân kỷ niệm ngày ngài viên tịch, cùng với những tour du lịch thiện nguyện theo tinh thần từ bi bác ái của Phật. Đây là một dạng tour du lịch khá phổ biến hiện nay...

 

Tuy An còn có ngôi chùa Đá Trắng nổi tiếng (di tích kiến trúc, văn hóa cấp quốc gia) là điểm đến thú vị để tìm hiểu văn hóa Phật giáo. Ngoài ra, một ngôi chùa mà du lịch tâm linh phát triển rầm rộ trong nhiều năm qua, đó là chùa Thanh Lương. Chùa này trở nên nổi tiếng từ khi tượng Phật Bà Quan âm được ngư dân xã An Chấn phát hiện và vớt đưa về ngự tại chùa. Qua các câu chuyện kể về sự hiển linh đã thu hút đông đảo du khách đến đây cầu mong sự độ trì, cứu thế của Phật Bà, nhất là ngày rằm, dịp lễ, tết.

 

Có thể phác thảo một vài dạng tour du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo Phú Yên tiêu biểu như sau:

 

Tour du lịch tham quan các chùa, kết hợp với du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa. Đây là mô hình khá phù hợp với Tuy An nói riêng, Phú Yên nói chung, bởi ở đây có tiềm năng du lịch sinh thái và di tích độc đáo cùng với bề dày lịch sử Phật giáo, bao gồm: Hệ thống chùa chiền với các kiểu kiến trúc đa dạng gắn liền với cảnh quan thiên nhiên; nghệ thuật diễn xướng nhạc lễ mang âm hưởng đặc trưng của xứ Nẫu; các sinh hoạt nghi lễ của chư tăng, tín đồ phật tử... Qua đó, du khách có thể tìm hiểu hoặc trải nghiệm bằng những thực hành tôn giáo tùy theo điều kiện và nhu cầu mỗi người.

 

Lễ hội Phật giáo là một bộ phận của di sản văn hóa Phật giáo, đang được phát triển mạnh mẽ, quy mô đáp ứng nhu cầu tâm linh của phật tử và đông đảo quần chúng hoàn toàn thích hợp với tour hành hương của du khách mộ đạo.

 

Tour du lịch tâm linh trên quê hương thiền sư Liễu Quán và những ngôi chùa gắn với hành trang của ngài. Đến đây, du khách có thể ghé thăm chùa Hội Tôn - nơi ông xuất gia học đạo, chùa Châu Lâm - nơi dựng đài minh bia, dưới chân núi A Man và chùa Bảo Tịnh (TP Tuy Hòa) được Liễu Quán khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Kết hợp với tour này du khách có thể thăm những danh lam cổ tự khác.

 

Đối với Thiên Chúa giáo, vùng đất Mằng Lăng là một trong những nơi đầu tiên các giáo sĩ nước ngoài chọn làm nơi truyền giáo của xứ Đàng Trong và từng bước biến nơi đây thành một địa sở tôn giáo, với nhà nguyện ở Phường Lụa, nhà thờ Chợ Mới (do linh mục Joseph Bennetat xây dựng năm 1736). Từ nhà thờ Mằng Lăng, Chợ Mới nếu tiếp tục tour chuyên đề khách có thể đến các điểm nhà thờ Đồng Tre (Xuân Phước, huyện Đồng Xuân), Trà Kê (Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), đây chính là con đường mà các giáo sĩ truyền giáo lên tận Tây Nguyên.

 

Nhà thờ Mằng Lăng không chỉ có vị trí quan trọng đối với những người mộ đạo, bởi nơi đây là “thánh tích”, sản sinh một vị Á Thánh, mà ở đây còn là nhà thờ cổ, có kiến trúc độc đáo. Hơn nữa đây là nơi còn lưu giữ quyển sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Những điều này đặc biệt thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều du khách cả trong nước và quốc tế.

 

Được biết, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng như kế hoạch phát triển du lịch của huyện Tuy An thì du lịch văn hóa tâm linh là một trong những loại hình quan trọng và được khuyến khích. Nếu được đầu tư đúng mức, đây sẽ là tour thu hút du khách đến với Tuy An - vùng đất của tôn giáo và trầm tích văn hóa.

 

ThS LÊ THẾ VỊNH

Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa - Sở VH-TT-DL Phú Yên

Hãy khám phá hương vị đặc biệt từ Phú Yên! Mua ngay đặc sản Phú Yên để trải nghiệm những món ngon độc đáo từ vùng đất này. Gọi ngay 0919.906.001 để được tư vấn miễn phí.